This is an example of a HTML caption with a link.

Mít-Hương vị Việt

MÓN NGON MỖI NGÀY

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Gỏi Gà Rong Sụn

Gỏi rong sụn giòn giòn, chua cay, rất lạ miệng là món ngon khó cưỡng cho dịp cuối tuần.
Nguyên liệu:
- 300gr rong sụ
- 300gr thịt gà
- Húng quế, rau mùi
 - Tỏi, ớt
 - Nước mắm, giấm, đường

Cách làm: 
Bước 1: Ngâm rong sụn (Rau câu chân vịt) vào nước chừng 30p-1h cho mềm (không nên mềm quá, đủ độ giai& giòn mới ngon)

Rửa sạch cát. Lúc này, rong nở và trắng.

 Bước 2:
 Sau đó, luộc thịt gà chín. Dùng phần đùi gà là ngon nhất.
Xé nhỏ thịt gà. Phần da gà dùng kéo cắt nhỏ, để riêng bày lên trên cho đẹp mắt.



 Bước 3:
 Húng quế và rau mùi nhặt rửa sạch. Tỏi bóc vỏ, đập dập. 
Pha một hỗn hợp nước giấm, đường cho vừa chua ngọt rồi thêm nước mắm đến đủ độ mặn. Cuối cùng, thêm tỏi và ớt.
Bước 4:
 Trộn gỏi gồm thịt gà, rong sụn, rau và nước gỏi để ngấm một chút và thưởng thức.

Bày ra đĩa, thêm da gà và rau mùi lên trên cho đẹp mắt.
Nguồn Món Ngon

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014


Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Ngon mê mẩn nhộng trộn mít





Những chú nhộng tươi ngon, căng mẩy làm cho món ăn thêm phần quyến rũ

Thuở học trò chúng tôi ngày trước không đứa nào không mê tít món mít non trộn. Thời ấy, đơn giản chỉ là mít trộn non với nước mắm tỏi ớt cũng làm bọn học sinh khô nước bọt vì thèm thuồng…

Bây giờ, mít non trộn cũng vẫn là món khoái khẩu, nhưng cầu kỳ và nhiều gia vị hơn, nguyên liệu kết hợp cũng phong phú hơn. Có khi đó là mít non trộn với tôm, có lúc trộn với da heo, hay với thịt ba chỉ…để đổi khẩu vị.

Nhưng mít non trộn nhộng đảm bảo là món ăn ngon mê ly nhất, bởi sự kết hợp giữa mít non và nhộng- những nguyên vật liệu đậm chất quê, khiến ai thưởng thức cũng cảm được cái chất dân dã ngon miệng của món ăn có hương vị tinh tế này.

Ở Quảng Nam và Đà Nẵng, mít non và nhộng là hai nguyên liệu vô cùng dễ kiếm.
Đơn giản và dễ làm mà không hề cầu kỳ như mọi người hình dung
Mít non là loại mít mà gai còn chưa nhú hết khỏi lớp vỏ xù xì, thường được người quê hái xuống để bớt trĩu cây. Sau vì tiếc, người trồng đã nghĩ ra cách chế biến, và bất ngờ với hương vị thơm ngon, dai bùi của món ăn. Dần dà, mít non trở thành món ăn được ưa thích ở cả vùng quê, rồi lan lên thành thị.

Đối với nhộng tằm, đây là loại thực phẩm đặc biệt bổ dưỡng. Nghề trồng dâu nuôi tằm khá nổi tiếng ở vùng đất Quảng Nam, và nhộng là một trong những “sản phẩm” của những làng nghề này. Thoạt trông sẽ rất nhiều người

cảm thấy sợ vì nhộng giống sâu, nhưng nếu đã một lần mạnh dạn thưởng thức, rất dễ bị ghiền ngay lập tức. Vị bùi, béo và dai của những con nhộng tươi rói sẽ đánh thức vị giác của mọi người.

Chưa kể, nhộng với cách chế biến khoa học, có khả năng chữa trị suy nhược cơ thể, phục hồi sức khỏe, có thể dùng làm thuốc bổ thần kinh, làm thuốc chữa các bệnh viêm gan, xơ gan, loét dạ dày, tá tràng…

Cách chế biến món mít non trộn nhộng tương đối dễ. Mít non hái vào, để dưới vòi nước cho mủ mít chảy ra thật lâu, vừa giải quyết được khâu mủ, vừa giúp cho mít non vẫn giữ được độ tươi ngon.

Luộc mít cẩn thận, phải canh cho mít vừa chín tới. Nếu mít non luộc quá chín sẽ bị bã, mất độ dai ngon; nhưng nếu sống quá sẽ dễ bị sần, ăn mất đi vị ngon bùi của mít.

Mít luộc xong rửa sơ bằng nước sôi để nguội để không bị thâm đen nếu để lâu. Sau đó mít non thái nhỏ, dài.

Trộn mít với chút tiêu, chút xíu muối, bột ngọt, đường, tỏi giã nhuyễn, dầu phụng và rau răm xắt nhỏ. Nếu muốn có độ dai của món mít trộn thì có thể thêm một ít da heo (bì).

Còn nhộng thì cần nhớ rửa sạch kỹ, để ráo, sau đó phi dầu hành tỏi thơm lên, thả nhộng vào xào kèm một chút gia vị cho đậm đà. Trong lúc đó, các chị nhờ ông xã pha một chén mắm ớt, tỏi, chanh, đường để sẵn.

Khi ăn cho một ít mít non trộn lên dĩa, bỏ nhộng lên trên, tưới một ít mắm pha lên dĩa nhộng, cho một chút đậu phụng rang giã tơi, và đừng quên một chút hành phi. Kế đó, trộn tất cả hỗn hợp lên, dùng bánh tráng xúc ăn.

Sự dai dẻo của mít non, cộng hưởng với những chú nhộng béo ngậy, vị thơm bùi của đậu phụng tạo nên món ăn ngon mê ly.
Theo Bảo Nguyên (ihay)

Gỏi Tôm Thịt rong sụn



Nguyên liệu:
- 50g rong sụn
- 12 con tôm
- 3 nhánh tỏi, 2 quả ớt
- 2 thìa nước mắm: 2 thìa dấm: 1 thìa đường
- Rau húng bạc hà, rau răm, rau kinh giới
- 2 thìa canh lạc rang giã dập.
Bước 1:
Rong sụn rửa sạch, ngâm nước lọc cho nở và có màu trong.
Bước 2:
Tôm hấp chín, bóc vỏ hoặc có thể làm ngược lại là bóc vỏ rồi hấp chín (với cách làm này con tôm sẽ cuộn tròn trông rất xinh xắn). Để tôm được giòn, ngon sau khi hấp (loại đã bóc vỏ) bạn có thể thả tôm vào bát nước đá.
Khi rong đã nở đủ bạn cho ra rổ để ráo nước rồi chuyển vào bát tô
Bước 3:
Tỏi đập dập, băm nhỏ. Ớt băm nhỏ. Pha nước trộn gỏi chua ngọt với tỏi, ớt, nước mắm, dấm đường.
Bước 4:
Cho rong sụn và tôm vào âu, rưới nước mắm chua ngọt bạn vừa pha lên. Trộn đều, để khoảng 10 phút cho ngấm.
Bước 5:
Rau kinh giới nhặt phần lá, thái sợi. Rau húng bạc hà và rau răm nhặt phần lá. Rửa sạch các loại rau rồi cho ra rổ, để ráo nước.
Bước 6:
Trộn đều gỏi với rau thơm. Cuối cùng trộn thêm lạc và bày ra đĩa là xong!
Rong sụn giòn giòn sần sật, tôm ngọt chắc hòa quyện với vị chua - cay - mặn - ngọt hài hòa cùng với mùi thơm của lạc và rau làm món ăn thêm phần hấp dẫn. Các bạn hãy thử nhé

Tấm vé về tuổi thơ: mít cám + muối ớt!



Hôm nay, vào Facebook thấy bạn Đinh Thanh Hải chia sẻ hình ảnh của Mỹ Phương: chén muối ớt và những quả mít cám làm mình thấy thèm muốn chảy nước miếng và nhớ những ngày tuổi học trò quá! Bạn Hải viết là “Đái mít ấy mà”, mình thì ngại dùng từ đó, nên cố gắng giảm độ thô bằng từ “mít cám”, bọn con gái chỉ dùng từ đó thôi! Vậy ta thống nhất dùng từ mít cám nhé!

Chúng tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất đỏ bazan, cùng với vườn cây miền nhiệt đới xanh tốt, sai quả nào tiêu, bơ, mít, ổi…Tuổi thơ của chúng tôi được thưởng thức các loại trái cây vườn nhà, hết sức an toàn cho sức khoẻ. Điều đó cũng góp nên cho những đứa con miền sơn cước như chúng tôi tăng thêm sức đề kháng chống chọi với những căn bệnh do sự khắc nghiệt của khí hậu. Và chúng tôi đã khôn lớn khoẻ mạnh để có thể ở lại quê hoặc do hoàn cảnh nhất định đi lập nghiệp ở vùng đất khác. Khi con người ta lớn lên trong khó khăn, dường như sức sống của họ bền bỉ hơn, sức chịu đựng của họ cũng cao hơn những người sinh ra trong điều kiện an nhàn thì phải. Quay lại nói về món mít cám và muối ớt! Tấm vé về với tuổi thơ của tôi nhé!

Còn nhớ, hồi đó chúng tôi học cấp I,II, trưa nào cũng rủ nhau đi học thật sớm để cùng thưởng thức món mít cám này. Chúng tôi phân công nhau, mỗi buổi mỗi đứa “bới” 1 đùm muồi ớt. Đùm muối ớt giã muối sống hạt to cộng với những trái ớt chín tươi, cay xé lưỡi và bột ngọt. Ba thứ ấy hoà quyện vào nhau thành món chấm rất bắt mồi, càng cay càng ngon, vừa ăn vừa xịt xà!

Về mặt khoa học, tôi không hiểu biết lắm về đặc điểm sinh học của loài mít. Chỉ biết rằng, cây mít sinh ra 2 loại mít cám: Loại có mắt dày, to hơn thì phát triển thành quả mít đến lúc chín, thơm ngọt; Loại cám nhiều, mịn thì trong khoảng 3-4 ngày là bị thối, đó là mít cám. Nhìn chung mít cám có vị chát là chủ yếu, ít ngọt. Tuỳ theo từng loại mít để có quả mít chín ngon hoặc mít cám ngon. Mít cám ngon thường là những quả nhỏ, nhiều cám, màu vàng rộm. Để chọn những mít cám như vậy, chúng tôi cất công leo lên các cành của cây mít để chọn. Những mít cám ở dưới gốc cây thường thì rất chát. Dĩ nhiên, điều thú vị nhất là vừa cầm gói muối ớt cay xè, vừa vắt vẻo trên cành cây, hái mít cám chấm ăn mới thấy thú vị. Chúng tôi thường chọn những khu vườn công để ngồi vắt vẻo (tránh sự kiểm soát của phụ huynh). Cả bọn cùng nhau ăn mít cám, hít hà, tán gẫu rồi mới đến trường. Sau món mít cám, thì quả trứng gà (hay còn gọi là quả Lêkima) chuẩn bị chín cũng là món ăn ruột cùng với đùm muối ớt. Mít cám còn là một thành phần không thể thiếu khi chúng tôi làm món sụm theo kiếu Lào (đu đủ + mít cám+ đậu phụng+ rau thơm +chanh+ớt), ăn kèm với xôi.

Bên cạnh mít cám, thì quả mít chín là món trái cây bổ dưỡng, rất ưa thích của chúng tôi. Nếu không thì các bạn nhận xét rằng, sao mấy bạn ở miền núi ấy chỉ thích chát, cay, mặn thế nhỉ! Thú vị nhất là khi đến mùa mít chín, làm thế nào để biết quả mít này đã chín trong một vườn cây ngào ngạt hương mít! Bằng kinh nghiệm thực tế, hay gõ nhẹ vào trái mít, nếu nghe tiếng “bịch, bịch” là có thể hái xuống. Còn quả nào chín quá rồi thì dễ dàng nhận ra hơn, vì mùi thơm của mít, nhất là những quả mít ướt. Ngoài ra, quả mít có dược tính rất “mát”, có thể chế biến rất nhiều món ăn từ quả mít cám, mít non như: gỏi, trộn,rin, luộc + nước ruốc. Còn quả mít chín thì các thành phần được tận dụng tối đa đấy nhé! Ví dụ như: sau khi ăn múi mít rồi thì có thể dùng hạt mít để nấu hoặc rang, xơ mít làm dưa chua, vỏ mít thì dùng để…phạt các cô cậu học trò hư! À mà khi ăn mít chín, để không bị đau bụng, bạn nên ăn xơ trước nhé! Mấy cái “xơ bà”- xơ gần múi mít ngon ngọt lắm!

Túm lại, mít ơi là mít! Mít đã cho ta nhiều kỷ niệm về tuổi thơ, nhiều món ăn tinh thần và cho thể chất! Và hình như hồi xưa ăn mít hơi nhiều nên ta thường hay “mít ướt”, thỉnh thoảng thấy mình sao mà “mít đặc”.

P.s: Sau một hồi lan man về mít! Không quên cảm ơn bạn Hải đã tặng thêm cho mình một tấm vé về với tuổi thơ, quê hương!
Huế, tối 24/11/2012
Võ Trần Ngọc Minh

Mít trộn và ốc hút - Đặc sản Đà Nẵng

Những món ăn dân dã này chính là một nét riêng đặc biệt của Đà Nẵng. Đến Đà Nẵng bất cứ mùa nào trong năm, mỗi chiều sau khi tắm biển xong, rủ bạn bè thưởng thức một đĩa mít trộn hay ốc hút thì còn gì bằng.

Mấy món ăn dân dã này không biết từ bao giờ đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân Đà Nẵng, và bây giờ đang được biết đến như một nét ẩm thực vô cùng độc đáo ở đây. Ngồi bên bạn bè, trò chuyện rôm rả, thưởng thức mấy món ăn quê, mới nhận ra đôi khi hạnh phúc thật giản đơn.
Người Đà Nẵng cũng như người dân sống trên dải đất miền Trung vốn mộc mạc, chất phác, vì thế các món ăn cũng đơn giản, không cầu kỳ trong chế biến. Tuy vậy, vị tinh tế và đậm đà thì không chê vào đâu được. Món mít trộn là như vậy.
Với món mít trộn, nguyên liệu cơ bản là giống nhau, cũng từ trái mít non luộc chín vừa tới rồi xắt sợi hoặc xé tơi để trộn gỏi, nhưng các hàng quán "nhà giàu" thì trộn với thịt ba rọi hoặc tôm thẻ, nhìn món ăn sang trọng hơn. Nhưng có lẽ đúng món mít trộn chân chất xứ này thì phải là trộn với da heo xắt sợi, thêm đậu phộng giã dập, hành phi, nước mắm chua ngọt với ít rau răm và húng lủi. Tất cả trộn đều với nhau, tạo nên mùi thơm quyến rũ, màu sắc cũng thật bắt mắt.
Ăn mít trộn thì không thể thiếu bánh tráng mè nướng giòn rụm. Bẻ một miếng bánh tráng, xúc một miếng mít trộn, cái giòn rụm của bánh tráng, vị bùi và ngọt của mít non, chút giòn sựt sựt của da heo, thêm vị thơm của đậu phộng, hành phi và chút cay cay của ớt, rau thơm... tất cả tạo nên một vị ngon không cưỡng được.
Đà Nẵng cũng là xứ nổi tiếng với món ốc xào sả ớt, mà người dân địa phương gọi dân dã là ốc hút. Ốc miền Trung con nào con nấy nhỏ mà chắc thịt. Ốc gạo, ốc bươu, ốc đắng... nhiều vô số kể ở khắp nơi. Đem về ngâm thật sạch, rửa sạch rồi đợi ráo nước, đem xào với sả ớt, gia vị, công thức không có gì đặc biệt mà vị thì đậm đà khó quên. Có lẽ là do sự đậm đà vốn có trong cách thức chế biến món ăn của người Đà Nẵng đã tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn này.
Món ốc hút đã trở thành quen thuộc với mọi người, nhất là các bạn trẻ và du khách phương xa. Rảnh rỗi, bạn bè rủ nhau đi "hút ốc", ngồi bên quán vỉa hè hút ốc bằng tay, miệng và tay dính màu ớt đỏ cay xè, ăn xong lâu rồi vẫn hít hà vị cay. Vậy mà vẫn thích. Sự đậm đà của sả, ớt và gia vị thấm vào từng con ốc tạo nên cái "sự ghiền" cho người ăn.
Đà Nẵng là một thành phố lớn ở miền Trung. Bên cạnh sự giàu có về sản vật, cảnh quan thiên nhiên, sự hấp dẫn của Đà Nẵng đôi khi đến từ những nét rất nhỏ, rất riêng và rất đặc biệt. Những món ăn dân dã này chính là một trong những nét riêng đặc biệt đó.
Nguồn: Cổng thông tin du lịch TP. Đà Nẵng

Nhớ khóm mít tuổi thơ

Khóm mít có vị chát, ăn vội dễ bị mắc nghẹn, nên khi ăn phải uống nước liên tục.

Trái mít là loại quả ngon, có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Người miền xuôi khi nhắc đến mít hầu như ai cũng nằm lòng câu ca dao: "Ai về nhắn với bạn nguồn/Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên".
Với tuổi thơ của chúng tôi, mít đã mang lại những giây phút đáng nhớ khi cùng bạn bè ngoàm ngoạm những trái khóm với nắm muối sống sau giờ tan học.
Quà bánh đối với trẻ nghèo hiếm lắm, nên khi đi học, hái vài khóm mít bỏ vào túi áo đem đến trường để cùng nhau thưởng thức thì niềm vui như nhân lên.
Ngoài việc ăn chung với muối, trẻ con còn thích ăn khóm mít với đường bát. Ảnh: Hòa Nhơn
Khóm mít, cái tên gọi mộc mạc của những trái mít đực không thể hóa thân thành trái, nhưng chúng âm thầm tồn tại và mang lại niềm vui cho trẻ con.

Khóm mít thường mọc sát thân cây nên dễ hái. Khóm mít có vị chát, ăn vội dễ bị mắc nghẹn, nên khi ăn phải uống nước liên tục. Về "đẳng cấp", khóm mít không thể so sánh với trái vải hay nhãn, nhưng khi biết chế biến, nó cũng mang lại hương vị đặc trưng khó quên.

Ngoài việc ăn chung với muối, trẻ con còn thích ăn khóm mít với đường bát. Khi ăn cho vài khóm mít gói vào lá chuối đập dập để bớt vị chát, rồi cho đường bát vào tiếp tục đập, khi đường bám đều vào khóm mít, dùng tay vo thành từng viên tròn mà ăn thì chẳng khác nào ăn kẹo mít, một loại kẹo của nhà nghèo mà trẻ con rất thích.

Ngày nay, các bà nội trợ còn dùng khóm mít bổ sung vào các món trộn, để có được món ăn lạ miệng, hấp dẫn.